Thông thường, trước mỗi chuyến du lịch tự túc có hai điều mà mình luôn quan tâm nhất, thứ nhất là phương tiện di chuyển, thứ hai là khách sạn mình sẽ ở. Suy cho cùng hai thứ này luôn chiếm một phần khá lớn trong chi phí của cả chuyến đi. Bài viết này mình tập trung nói về cách đặt phòng khách sạn hiệu quả nhất sau những kinh nghiệm mà mình đã rút ra được từ những chuyến vi vu. Thực tế thì việc chọn được một khách sạn như ý với giá tốt là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, sau kha khá lần bị hố hàng thì mình cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm đặt phòng khách sạn mang ại hiệu quả cao. Các bước thực hiện như sau:
1. Xác định khu vực mình muốn ở
Thường thì ở mỗi điểm đến đều sẽ có rất nhiều khu vực mình có thể chọn để ở. Đa phần ai cũng thích ở gần trung tâm nhưng ngặt nỗi các khách sạn ở ngay trung tâm luôn có giá trên trời. Dĩ nhiên nếu mình có tiền và sẵn sàng chi trả thì việc chọn một khách sạn nằm ngay trung tâm là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, với những người đi du lịch tiết kiệm như mình thì thường không có sẵn hầu bao để phung phí như vậy. Khi đó mình có thể chọn ở những khu vực xung quanh trung tâm để có giá tốt hơn mà vẫn có thể dễ dàng đến trung tâm một cách nhanh chóng. Để xác định được khu vực nên ở thì mình thường hay lên mạng tìm hiểu trước về nới mình sắp đến. Ví dụ: mình có thể lên Google tìm “du lịch Kuala Lumpur nên ở đâu” để có được các gợi ý hữu ích, hoặc có thể tham khảo các hội nhóm về du lịch trên Facebook hoặc các diễn đàn về du lịch như Tripadvisor.com
2. Tìm khách sạn gần một vị trí cụ thể
Sau khi xác định đựa khu vực muốn ở, bước tiếp theo là tìm khách sạn gần các vị trí thuận lợi. Vị trí thuận lợi là vị trí gần trạm xe buýt, trạm tàu điện hay gần các trung tâm thương mại để tiện cho việc đi lại và ăn uống. Việc này có thể thực hiện rất dễ dàng bằng dịch vụ Google Maps. Trong Google Maps, mình gõ địa chỉ, tên trạm tàu điện hoặc tên trung tâm thương mại mình muốn tìm, sau đó chọn mục “Khách sạn” thì Google sẽ lập tức hiển thị các khách sạn cùng với giá phòng và khoảng cách đến vị trí đó. Ví dụ: nếu mình muốn tìm khách sạn ở gần trạm tàu điện Bukit Bintang thì mình sẽ tìm kiếm “Bukit Bintang station” trên Google Maps. Sau đó mình chọn mục “Khách sạn” và sẽ được kết quả như sau:
Giá hiển thị trên Google Maps là giá tốt nhất để tham khảo, giá thực tế sẽ còn tùy vào ngày đặt cụ thể.
Lưu ý
3. Xem đánh giá của người dùng
Việc phải chọn một khách sạn mình chưa từng ở qua luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nhất là những khách sạn giá rẻ trong những khu vực đắc địa. Do đó, xem lại các đánh giá của những người đã từng ở qua là việc hết sức cần thiết. Thông qua các đánh giá này, mình sẽ có được tổng quát các điểm mạnh và điểm yếu của khách sạn mình đang xem xét như vệ sinh, phòng ốc, những vật dụng cá nhân được cung cấp sẳn, thái độ phục vụ của nhân viên, hay môi trường xung quanh khách sạn…
Nên ưu tiên xem những đánh giá gần nhất vì nó mới phản ánh đúng với thời điểm hiện tại. Ngoài ra, vì những đánh giá trên Google không bắt buộc người đánh giá phải chứng minh đã từng ở khách sạn đó nên có thể sẽ có những đánh giá không khách quan. Tốt nhất là nên xem đánh giá ở nhiều nơi khác nhau, nhất là các đánh giá trên các dịch vụ đặt phòng như Agoda, Booking.com… thì sẽ có được những thông tin chính xác hơn.
Lưu ý
4. Đặt phòng khách sạn
Sau khi chọn được khách sạn vừa ý, việc tiếp theo là đặt phòng khách sạn. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà mình sẽ chọn loại phòng đơn, phòng đôi, diện tích lớn, nhỏ, hướng phòng… Nếu đi du lịch thì thường mình cũng không cần phòng quá đắt vì hầu như cả ngày mình ở bên ngoài nên cũng không sử dụng khách sạn nhiều.
Hiện đặt phòng trực tuyến có 2 loại hình phổ biến nhất là “online” và “offline”. Hình thức “online” là giá phòng sẽ được hiển thị chính xác cho các ngày mà mình đã chọn và thường phòng sẽ được xác nhận ngay sau khi đặt. Các công ty phổ biến cho hình thức này bao gồm Agoda.com, Booking.com hoặc Travelola.com. Đại lý cung cấp loại hình này thường là các công ty đa quốc gia nên có liên kết với rất nhiều khách sạn trong và ngoài nước. Ngược lại, với hình thức “offline” thì thường giá hiển thị sẽ chỉ là giá tham khảo và sau khi mình gởi yêu cầu đặt phòng thì các đại lý mới liên hệ với khách sạn để xác nhận phòng trống và giá phòng, sau đó mới báo giá chinh thức lại cho khách hàng. Đa phần đại lý cung cấp loạii hình này thường là các công ty của Việt Nam và thị trường của họ cũng chủ yếu là các khách sạn ở Việt Nam nên thường có mức giá tốt hơn chút xíu so với loại hình “online”. Các công ty như ChuDu24.com, iViVu.com… là các đại lý điển hình cho loại này.
Thông thường mình hay chọn đặt phòng trên các kênh online như Agoda hoặc Traveloka vì có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng. Ngoài ra, các đại lý này cũng hay có nhiều chương trình khuyến mãi nên có giá rất tốt. Riêng cá nhân mình thì thấy Agoda thường có giá rất tốt hơn Traveloka. Agoda cũng hay có nhiều ưu đãi cho khách hàng cũ và đặc biệt đối với những ai đang sử dụng thẻ tín dụng được phát hành tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi giảm giá cho nhiều loại thẻ khác nhau. Ví dụ như:
- Đối với thẻ VISA: https://www.agoda.com/vi-vn/visavn
- Đối với thẻ JCB: https://www.agoda.com/vi-vn/jcbvn
- Đối với thẻ Mastercard: https://www.agoda.com/vi-vn/vnmastercard
Ngoài ra, mỗi ngân hàng phát hành thẻ thường cũng có những website liên kết với Agoda dành riêng cho khách hàng của mình ví dụ như:
- Chủ thẻ HSBC tại http://www.agoda.com/hna
- Chủ thẻ Techcombank tại https://www.agoda.com/vi-vn/techcombank
Chúc bạn đặt được phòng khách sạn như ý!