Malaysia nói chung và Kuala Lumpur (KL) nói riêng đã quá quen thuộc với dân Việt Nam mình rồi nên mình sẽ không giới thiệu nhiều nữa, mình chỉ chia sẻ lại những kinh nghiệm của bản thân khi đi du lịch Kuala Lumpur với chi phí hợp lý nhưng vẫn có thể tận hưởng trọn vẹn chuyến đi mà ít gặp trở ngại nhất.
1. Giấy tờ cần thiết
- Hộ chiếu còn hạn ít nhất 6 tháng tính từ ngày về trở lại Việt Nam
- Vé máy bay 2 chiều
- Đặt phòng khách sạn
- Tiền mặt (USD, VND, Ringgit đều được) & thẻ thanh toán/tín dụng quốc tế (VISA, Master, JCB)
- Lịch trình (nên có nhưng không bắt buộc)
2. Phương tiện vận chuyển
Để chọn được vé máy bay với giá thấp nhất, mình hay sử dụng app Traveloka để tìm các chuyến bay của ngày đi và ngày về. Cái hay của Traveloka là nó sẽ liệt kê tất cả các chuyến bay của các hãng bay khác nhau nên mình có thể dễ dàng so sánh giá. Mình cũng không nhất thiết phải đi và về cùng 1 hãng, miễn là chọn được chuyến bay phù hợp với thời gian và ngân sách của mình là được. Như lần gần nhất mình đi bằng máy bay của VietjetAir nhưng chuyến về mình lại chọn bay hãng Malaysia Airlines do giá và thời gian bay tốt hơn. Giá vé máy bay khứ hồi đến Kuala Lumpur thường rơi vào tầm 2tr5 – 3tr nếu bay từ TPHCM, các ngày lễ tết giá có thể cao hơn.
Sau khi chọn được chuyến bay phù hợp, bản thân mình thường không đặt trên Traveloka mà sẽ vào trang web của hãng để mua trực tiếp luôn vì các lý do như sau:
- Thường nếu bạn là thành viên (membership) của hãng thì hãng hay có các chương trình khuyến mãi và giá ưu đãi cho thành viên nên giá có thể sẽ tốt hơn.
- Khi cần thay đổi về vé (đổi ngày đi, mua suất ăn, chọn chỗ ngồi…) thì mình có thể chủ động lên website của hãng để tự thay đổi nhanh chóng và dễ dàng. Ngoài ra mình còn có thể trực tiếp liên lạc với tổng đài của hãng để nhờ hỗ trợ.
Thường mình hay đặt chuyến bay đi buổi sáng và về buổi chiều tối, vì mình sẽ có nhiều thời gian du lịch hơn.
Nếu có hành lý cần ký gởi thì nên cân nhắc chọn các hạng vé cao hơn hạng cơ bản vì các hạng vé cao thường sẽ được miễn phí hành lý ký gởi cộng thêm các dịch vụ đổi/hủy chuyến hay chọn chỗ ngồi miễn phí. Tính ra nhiều khi sẽ rẻ hơn so với việc mua vé cơ bản rồi lại mua thêm hành lý. Ví dụ cụ thể khi mình mua vé đi của VietjetAir, nếu mình mua hạng vé cơ bản là 20k đồng (chưa bao gồm thuế phí) thì không bao gồm hành lý, còn hạng Deluxe là 30k đồng nhưng đã bao gồm 20KG hành lý ký gởi mà còn được miễn phí chọn chỗ ngồi và đổi/hủy vé.
Lưu ý
3. Khách sạn
Để tiện việc đi lại, mua sắm và ăn uống thì mình hay lựa chọn các khách sạn gần trạm tàu điện, nhất là gần trạm Bukit Bintang. Tuy nhiên, các khách sạn nằm gần trạm Bukit Bintang thường có giá khá cao nên mình hay tìm các khách sạn cách đó vài trạm giá sẽ hợp lý hơn. Mình cũng đã có bài hướng dẫn cách đặt khách sạn hiệu quả nhất có thể tham khảo thêm.
Các khách sạn tại Malaysia sẽ thu phí thêm 10 Ringgit/đêm đối với khách du lịch.
Lưu ý
Khách sạn mình đi trong chuyến vừa rồi nằm gần trạm Hang Tuah, cách Bukit Bintang 2 trạm có giá rất phải chăng nhưng chất lượng lại khá tốt. Đợt mình đi vào ngày thường có giá 460k/đêm sau khi được khuyến mãi trên Agoda. Ngoài ra mình cũng phải đặt cọc 100 Ringgit khi làm thủ tục nhận phòng và được trả lại khi trả phòng. Khách sạn có tên là Chill Suites Kuala Lumpur.
Gợi ý
4. Thủ tục hải quan
Vì có rất nhiều người Việt đến Mã Lai rồi trốn ở lại trái phép nên hải quan ở đây rất “chu đáo” đối với người Việt Nam khi đến đây du lịch. Thường nếu passport đã đi nhiều nước thì họ sẽ dễ dàng hơn, ngược lại họ sẽ yêu cầu mình chứng minh mục đích chuyến đi để chắc chắn sẽ quay về Việt Nam đúng thời hạn cho phép. Vì vậy mình hay in sẳn vé máy bay 2 chiều cùng với xác nhận đặt phòng khách sạn và kế hoạch chuyến đi để cung cấp cho nhân viên hải quan khi được hỏi. Bản thân mình mặc dù mình đã đi nhiều nước và có cả visa Hoa Kỳ nhưng vẫn bị hỏi các câu như: “Qua đây bao lâu? Qua đây làm gì?”, sau đó họ còn hỏi vặn lại “Có phải ngày xzy mày về lại VN không?” để xem mình trả lời có khác với câu trả lời đầu tiên không.
5. Đổi tiền Ringgit
Nếu có thời gian thì mình sẽ đổi trước một ít Ringgit ở Việt Nam, còn không thì mình sẽ đổi ở trung tâm KL luôn. Cá nhân mình thấy đổi ở trung tâm KL tỉ giá tốt hơn so với ở Việt Nam. Ở TPHCM thì mình hay đổi ở quầy đổi tiền số 109 đường Hồ Tùng Mậu.
Ở sân bay Kuala Lumpur có nhiều quầy đổi tiền (money exchange hay money changer), nhưng tỉ giá ở đây cực kỳ thấp. Nếu cần tiền mặt thì có thể đổi đỡ một ít rồi sau đó vào trung tâm đổi sẽ được nhiều hơn. Ở KL người ta chấp nhận đổi tiền Việt Nam luôn (tốt nhất là tờ 500k) nên mình cũng không nhất thiết phải đem theo USD. Chuyến vừa rồi mình cũng không đổi tiền trước vì mình sử dụng tàu cao tốc để vào trung tâm nên có thể dùng thẻ thanh toán quốc tế (Visa/Master) để mua vé tại trạm hoặc bằng ứng dụng Klook (mình sẽ nói rõ hơn ở bên dưới). Còn nếu không có thẻ thanh toán quốc tế hoặc không mua vé trên ứng dụng Klook thì bắt buộc phải đổi trước một ít để trả tiền vé tàu xe.
Nếu đi tàu cao tốc hay xe buýt từ sân bay về trạm KS Sentral thì có thể đổi tiền ngay trạm luôn, ngay cổng vào của trạm KLIA Express hoặc tại NU Sentral shopping mall (quầy TWG nằm tại tầng LG) với tỉ giá tốt.
Ở trong trung tâm thì có thể đổi tiền bên ngoài trạm Bukit Bintang hoặc trước cổng Sungei Wang Plaza với tỉ giá rất tốt.
Gợi ý
6. Mua sim 4G
Đối với điện thoại có hỗ trợ E-sim
Nếu sử dụng các dòng máy iPhone hay Samsung đời mới thì hầu như máy đã có tích hợp sẵn E-sim. Trong trường hợp này mình chỉ cần sử dụng ứng dụng Klook/KKDay/Traveloka để mua E-sim 4G cho Malaysia là có thể sử dụng được ngay mà không cần đến quầy để lấy sim vật lý.
Thông thường E-sim 4G trên Klook là loại sim quốc tế của một nước khác (Ví dụ Hong Kong hay Singapore) có cho phép sử dụng 4G tại Malaysia. Loại sim này thường không thể sử dụng để nghe gọi mà chỉ có thể dùng 4G để truy cập internet nhưng có giá khá rẻ, chỉ cần khoảng 60-80k là có thể sử dụng trong 3-5 ngày.
Lưu ý
Đối với điện thoại chỉ hỗ trợ sim vật lý
Để mua được sim 4G giá rẻ thì mình hay đặt sim 4G trước ít nhất 1 ngày qua Klook, KKDay hay Traveloka rồi nhận tại sân bay, nhưng lưu ý địa điểm nhận sim có nằm trong terminal mình sẽ đến không nha. Hiện tại nếu bay VietjetAir thì sẽ đến KLIA terminal 1 còn bay AirAsia thì sẽ đến KLIA terminal 2. Nếu điểm nhận sim không nằm ở terminal mình đến thì có thể đi shuttle bus miễn phí từ KLIA1 đến KLIA2 hoặc ngược lại để lấy nhưng việc này khá bất tiện. Do đó nếu chỉ mua 1 sim thì mình sẽ mua trực tiếp tại quầy ở terminal đến với giá mắc hơn cho tiện còn không thì mình sẽ đợi vào trung tâm thành phố mới mua vì ở sân bay và tàu điện đã có Wifi để sử dụng. Sim thì có thể mua của các hãng lớn như Digi, Celcom, Maxis đều sử dụng tốt. Giá sim của Celcom và Maxis thường rẻ hơn của Digi nhưng chất lượng vẫn rất tốt.
Các chỗ bán sim chỉ nhận tiền mặt chứ không chấp nhận cà thẻ nên phải đổi tiền trước khi mua nha
Lưu ý
Nếu đi tàu cao tốc hay bus từ sân bay về trạm KS Sentral thì có thể mua sim 4G tại nhà ga KS Sentral (trong nhà ga có quầy bán điện thoại Vivo, Xiaomi… và có bán luôn sim) hoặc tại NU Sentral shopping mall (cửa hàng bán sim Maxis nằm ở tầng LG gần chỗ đổi tiền luôn). Vừa rồi mình mua sim 4G Maxis có nghe gọi và sử dụng data không giới hạn trong 7 ngày có giá chỉ 23 Ringgit.
Gợi ý
7. Di chuyển từ sân bay đến khách sạn
Từ sân bay KLIA mình có nhiều lựa chọn để đến khách sạn. Nếu đi ít người và ít hành lý thì mình chọn đi tàu cao ốc KLIA Express đến trạm KL Sentral rồi từ đó bắt tàu điện về ga gần nhất với khách sạn. Giá vé tàu cao tốc KLIA Express là 55 Ringgit/người, thời gian đi là 28 phút, trung bình 15-30p có một chuyến. Còn nếu muốn tiết kiệm tối đa chi phí thì có thể đi xe buýt đến ga KL Sentral rồi bắt tàu về khách sạn cũng được. Giá vé xe bus 11 Ringgit/người, thời gian đi khoảng hơn 1 tiếng tùy vào tình trạng giao thông.
Trên Klook có bán vé tàu cao tốc KLIA Ekspres với giá rẻ hơn so với mua trực tiếp tại trạm. Mình thường hay mua tại Klook và dùng mã QR để vào trạm luôn mà không cần phải đổi vé giấy. Mã QR sẽ được gởi ngay sau khi đặt nên mình cũng không cần đặt trước.
Gợi ý
Nếu đi nhóm từ 3 người trở lên hoặc có nhiều hành lý thì mình sẽ chọn đi taxi hoặc Grab từ sân bay đến thẳng khách sạn thì sẽ tiết kiệm và tiện lợi hơn so với đi tàu cao tốc. Thường giá taxi và Grab giao động trong khoảng 75 -100 Ringgit (bao gồm phí cầu đường) tùy vào loại xe và vị trí khách sạn, thời gian đi khoảng 1 tiếng tùy vào tình trạng giao thông. Nếu chọn đi taxi thì mình sẽ mua vé tại quầy vé taxi gần cổng ra luôn chứ không nên bắt taxi bên ngoài vì hay bị nói thách.
1. Giá hiển thị trên ứng dụng Grab chưa bao gồm phí cầu đường. Phí cầu đường lần gần nhất mình đi là khoảng 9 RM.
2. Tài khoản Grab ở Việt Nam (số điện thoại Việt Nam) vẫn có thể sử dụng để đặt xe ở Malaysia nên mình không cần tạo tài khoản mới. Tuy nhiên Grab ở Malaysia không chấp nhận thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế (Visa/Master) hay ví điện tử của Việt Nam. Nếu có sẵn tiền Ringgit thì mình có thể chọn hình thức trả tiền mặt trực tiếp cho tài xế. Nếu không thì mình có thể chọn thanh toán bằng PayPal (cần tạo tài khoản PayPal trươc khi sử dụng) thì vẫn có thể sử dụng thẻ thanh toán quốc tế của Việt Nam để thanh toán thông qua PayPal.
Lưu ý khi sử dụng Grab tại Malaysia
8. Di chuyển trong thành phố Kuala Lumpur
Phương tiện di chuyển nhanh và tiện lợi nhất trong thành phố chính là hệ thống tàu điện vì mật độ xe cộ trong trung tâm KL là khá lớn nên hay dễ bị kẹt xe, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Tàu điện trong KL chia làm 4 loại: Monorail là tàu điện nhỏ trên không đi các khoảng đường ngắn trong trung tâm thành phố. Ngoài ra còn có tàu LRT (Light Rapid Transport) lớn hơn 1 tí đi các tuyến xung quanh thành phố, hay tàu MRT (Mass Rapid Transport) lớn đi với vận tốc cao hơn để di chuyển các khoảng cách xa hơn trong thành phố. Cuối cùng là tàu KTM để di chuyển ra các vùng ngoại ô thành phố.
Để đi các tàu này, mình có 2 lựa chọn. Một là mua các token (vé tàu) cho mỗi chuyến đi tại các trạm tàu điện, chỉ cần chọn điểm đến rồi cho tiền vào máy là được. Lưu ý là phần lớn các máy chỉ nhận tiền xu hoặc tiền giấy nhỏ (1-10 Ringgit) thôi. Nếu không có sẵn tiền lẻ thì mình có thể đến các quầy hướng dẫn tại cổng ra vào trạm để đổi. Cách thứ 2 tiện lợi hơn là mình mua thẻ “Touch n Go” với giá 10 Ringgit tại các trạm tàu hoặc tại các cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, Watsons… rồi nạp tiền vào thẻ để sử dụng cho các chuyến đi mà không cần mua riêng lẻ cho mỗi chặng. Ngoài ra, thẻ “Touch n Go” cũng có thể sử dụng để đi xe bus hoặc để mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi trong thành phố KL.
Ngoài tàu điện ra thì mình có thể bắt xe bus hoặc Grab (khuyến cáo) hay taxi trong trường hợp đi nhiều người hoặc các điểm đến không nằm gần các ga tàu điện. Với những ai chưa quen đường phố tại KL thì mình không khuyến khích đi bus vì khó phân biệt các tuyến đường và các trạm dừng nên dễ bị lạc. Riêng đối với taxi thì cũng nên hạn chế vì ở đây có tình trạng tài xế không bấm đồng hồ và hay hét giá lung tung.
Mình hay tải app “Moovit” để xem hướng dẫn khi đi các nơi bằng phương tiện công cộng. App này sẽ cho mình biết muốn đi từ điểm A đến điểm B thì mình phải đi từ trạm gì đến trạm gì, thời gian bao lâu…
Gợi ý
Nếu cần đi các quãng đường ngăn thì mình cũng có thể thuê xe điện 2 bánh (e-scooter) dọc trên đường. Để thuê những chiếc xe này mình phải tải app “Beam” và nhập thông tin thẻ thanh toán quốc tế vào, sau đó quét mã QR dán trên xe để thuê. Giá mở khoá xe lần đầu là 2.5 RM sau đó là 0.6 RM cho mỗi phút tiếp theo.
Beam cho phép đậu xe hoặc kết thúc chuyến đi tại một số điểm đậu xe miễn phí (có thể tra trên ứng dụng), ngoài những điểm này thì có thể sẽ bị tính thêm phí đậu xe.
Ở các khu vực “cấm đậu xe” hoặc “cấm chạy xe” thì sẽ không được kết thúc chuyến đi.
Lưu ý
9. Ăn uống tại Kuala Lumpur
Ở KL thì không khó để tìm chỗ ăn, nhất là nếu ở gần các trung tâm thương mại. Đồ ăn ở KL thì rất đa dạng từ đồ Ấn, Mã, Hàn, Nhật, Hoa… nên không sợ đói hehe. Theo cá nhân mình thì ở 2 khu vực Bukit Bintang và Chinatown có nhiều quán ăn ngon nhất. Các quán ở khu Bukit Bintang thường có giá cao hơn so với Chinatown. Nếu ở Bukit Bintang thì có thể ăn tại Hutong Lot10 năm ở tầng hầm của TTTM Lot10 có bán rất nhiều đồ ăn Trung-Mã cực ngon. Ngoài ra, trong trung tâm thương mại Pavilion cũng có rất nhiều quán ngon trên tầng 6 và trong Food Court ở tầng UG1. Còn ở khu Chinatown thì có thể ăn các quán dọc theo các con đường gần phố đi bộ Petailing Street.
10. Gởi hành lý để đi chơi
Nếu mình bay các chuyến bay trễ (16h trở đi) thì sau khi trả phòng mình thường gởi lại hành lý tại khách sạn để tiếp tục đi chơi và quay lại lấy trước khi ra sân bay. Tuy nhiên nếu xác định sẽ đi ra sân bay bằng tàu cao tốc KLIA Express hay bằng xe buýt thì mình sẽ chọn gởi hành lý tại trạm KL Sentral luôn cho tiện. Ở trạm này có nhiều tủ gởi hành lý (Baggage locker) có thu phí với giá cũng phải chăng. Giá thuê 1 tủ trong 24h có giá từ 10-30 Ringgit tùy theo kích thước tủ. Có rất nhiều khu vực trong KL Sentral có thể gởi hành lý, ngay cổng ra taxi hoặc ngay cổng vào ga KLIA Express đều có. Để gởi hành lý, mình chỉ cần chọn vị trí tủ cần thuê, nhập số điện thoại, chọn một màu sắc ngẫu nhiên và trả tiền là xong. Việc nhập số điện thoại giống như là đặt mật khẩu cho tủ đựng hành lý thôi, nó sẽ không gởi tin nhắn nào về số điện thoại mình đã nhập nha. Khi muốn lấy lại hành lý mình chỉ cần nhập số điện thoại và chọn đúng màu đã chọn trước đây là được.
11. Chuyến bay về lại Việt Nam
Khởi hành từ KLIA 1
Nếu đi bằng VietJetAir thì hiện sẽ khởi hành tại sân bay KLIA Terminal 1. Terminal này khá lớn và đòi hỏi nhiều thời gian để di chuyển nên mình khuyến cáo nên có mặt ở sân bay trước ít nhất 3 tiếng so với giờ bay. Thủ tục check-in ở đây thì cũng giống ở Việt Nam là sẽ vào các quầy làm thủ tục check-in gặp nhân viên để nhận boarding pass (thẻ lên máy bay) và gởi hành lý ký gởi.
Khởi hành từ KLIA 2
Nếu đi bằng AirAsia thì sẽ khởi hành tại sân bay KLIA Terminal 2. Sân bay này cũng lớn nhưng thời gian di chuyển đến cửa ra máy bay thì ngắn hơn so với KLIA 1 nên có thể đến trước giờ bay khoảng 2h30-3 tiếng là đủ. Thủ tục check-in ở đây có một chút khác biệt so với Việt Nam là mình phải đến các Kiosk để tự in thẻ lên tàu bay và thẻ hành lý, sau đó đến các quầy “Self-baggage drop” để tự gởi hành lý ký gởi bằng máy chứ không có nhân viên làm giúp. Sau khi gởi hành lý mà còn thời gian trên 2 tiếng thì có thể trở ra lại trung tâm mua sắm của sân bay để ăn uống nghỉ ngơi chứ không cần vào ngay, nhưng nhớ canh giờ cách 2 tiếng trước giờ bay phải vào làm tiếp thủ tục xuất cảnh.
1. Các quầy gởi hành lý ký gởi “Self-baggage drop” sẽ cân hành lý tự động và sẽ từ chối nhận nếu hành lý vượt quá trọng lượng đã mua
2. Thời gian di chuyển từ chỗ làm thủ tục hải quan đến cổng ra máy bay mất khoảng 20-30 phút
Lưu ý
Chúc bạn có một chuyến đi thật thú vị và ý nghĩa!